Lịch sử phát triển

         Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND (T36) được thành lập theo Quyết định số 1945/QĐ-TTg, ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trên có sở nâng cấp Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ CAND và sắp xếp lại các cơ sở đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ và hậu cần của ngành Công an. Quy mô đào tạo của Trường được Lãnh đạo Bộ Công an ấn định trong giai đoạn 2011-2020 là 4.500 học viên và 500 cán bộ, giáo viên (Theo Quyết định số 467/QĐ-BCA ngày 10/2/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an)
Nhà trường là cơ sở đào tạo duy nhất của lực lượng CAND về lĩnh vực kỹ thuật - hậu cần; là trường đa cấp, đa ngành, nhiều loại hình đào tạo, nhiều bậc học và ngành học (bao gồm cả đại học, trung cấp, bồi dưỡng và tập huấn). Đối tượng học sinh được tuyển sinh trong cả nước (cùng với Đại học Phòng cháy, chữa cháy). Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo các lớp Quốc tế cho BNV Lào và BNV Vương quốc CPC.

         Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo đối với các ngành, chuyên ngành: 
         - Bậc đại học: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật Điện tử, truyền thông, An toàn thông tin CAND, Bảo mật hệ thống thông tin CAND, Kế toán CAND, Tham mưu, chỉ huy hậu cần.
         - Bậc trung cấp: Kỹ thuật mật mã, Quản trị mạng máy tính (Công nghệ thông tin), Nghiệp vụ truyền tin, Kỹ thuật thông tin, Văn thư lưu trữ và Hồ sơ nghiệp vụ CAND.
         Nhiệm vụ đào tạo trung cấp sẽ được thực hiện đến năm 2020. Sau đó sẽ tập trung chủ yếu đào tạo đại học và trên đại học.
 
         Mặc dù mới thành lập, song Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND đã có quá trình phát triển lâu dài, với bề dày lịch sử hơn 50 năm; từ trường bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc các Cục nghiệp vụ của Ngành Công an, sau đó là trung học, trung cấp và hiện nay là đại học.
         Giai đoạn 1: Trường Đào tạo cán bộ Cơ yếu và Trường Đào tạo cán bộ Thông tin (CAND) (từ khi thành lập các cơ sở đào tạo đến 11/1993)
         Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển của lực lượng CAND, các cấp lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ CAND luôn nhận thức sâu sắc rằng, trong công tác chỉ đạo, chỉ huy và phục vụ chiến đấu, lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ nói chung và lực lượng Thông tin, Cơ yếu nói riêng, luôn giữ vị trí trọng yếu, cùng các lực lượng khác, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc, trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
         Để có đội ngũ cán bộ đáp ứng phục vụ công tác chiến đấu, phát triển của Ngành, lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo và bồi dưỡng lực lượng làm công tác KTNV theo từng thời kỳ cách mạng.
         Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ, tiền thân là nghiệp vụ Cơ yếu và Thông tin, gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của lực lượng Cơ yếu và Thông tin CAND.
         Ngày 01/6/1956, tại Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân), Bộ Công an tổ chức khai giảng khoá Báo vụ đầu tiên của lực lượng CAND, gồm 52 học viên. Ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Trường Đào tạo cán bộ Thông tin CAND.
         Ngày 20/5/1967, tại Trường Sơ cấp Công an (T17) đóng tại Bất Bạt, Hà Tây (nay là Hà Nội), khai giảng khoá đào tạo cán bộ Cơ yếu CAND đầu tiên, gồm 45 học viên. Ngày 20/5 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Trường Đào tạo cán bộ Cơ yếu CAND.
         Từ ngày khai giảng khoá đầu tiên đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, mặc dù đã trở thành cơ sở đào tạo độc lập, nhưng nhà trường liên tục phải sơ tán, di chuyển địa điểm; có nhiều thay đổi về tên gọi và bậc đào tạo khác nhau theo từng thời kỳ; tài liệu, phương tiện, thiết bị dạy học còn thiếu thốn. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, các thế hệ cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn, vừa đào tạo, vừa nghiên cứu xây dựng chương trình, củng cố tổ chức bộ máy, tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và chính quyền địa phương, đáp ứng tốt công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ kịp thời phục vụ sự chỉ đạo về thông tin, mật mã của lãnh đạo Bộ, của Công an các đơn vị, địa phương, chi viện cho chiến trường B, C, K, các chiến dịch đột xuất của Bộ Công an chống gián điệp biệt kích, chống Fulro, làm công tác phái khiển, bảo vệ biên giới. Ngoài ra, nhà trường còn làm tốt đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ cho Bộ đội Biên phòng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hải quan, Viện Kiểm sát nhân dân, cho Bộ Nội vụ Lào và Bộ Nội vụ Căm-pu-chia.
         Ngày 8/9/1984, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 92/QĐ-BNV về việc tổ chức sắp xếp các trường trung học CAND, trong đó có Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ III (Cơ yếu)  và Trường Trung học Thông tin liên lạc thuộc hệ thống giáo dục trung học chuyên nghiệp của Nhà nước, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Nội vụ và sự chỉ đạo thống nhất về mục tiêu, chương trình đào tạo của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Sau này, Tổng cục XDLL CAND (trước đây) có Quyết định số 424/QĐ-X11(X12) ngày 06/5/2004 xác định ngày 08/9/1984 là Ngày truyền thống của Trường.
Ngày 10/10/1989, trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ III được đổi tên thành trường Trung học An ninh nhân dân III trực thuộc Tổng cục An ninh nhân dân (Bộ Nội vụ) (Quyết định số 665/QĐ-BNV ngày 10/10/1989 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Ngày 20/3/1989, trường Trung học Thông tin liên lạc được đổi tên là Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ Thông tin liên lạc trực thuộc Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (Bộ Nội vụ) (Quyết định số 11/QĐ-BNV(X14) ngày 20/3/1989 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Thực hiện các quyết định của Bộ trưởng, nhà trường đã tích cực nghiên cứu xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu và đầu tư trang, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác dạy và học, đa dạng hoá các loại hình đào tạo; đồng thời chú trọng đến công tác xây dựng lực lượng, tuyển chọn và nâng cao trình độ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất, từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giáo viên và học viên.
         Giai đoạn 2: Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ CAND - Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ CAND (từ tháng 10/1993 đến 11/2010).
        Ngày 14/10/1993, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 402/QĐ-BNV(X13) sáp nhập Trường Trung học ANND III (Cơ yếu) và Trường Trung học KTNV TTLL thành Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ CAND. Ngày 20/11/1993, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 910/QĐ-BNV(X13) về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Trường Trung học Kỹ thuật Nghiệp vụ CAND (T36). Quyết định nêu rõ: Trường Trung học Kỹ thuật Nghiệp vụ CAND trực thuộc Bộ trưởng, có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ trung học KTNV và đào tạo bồi dưỡng công nhân kỹ thuật cho lực lượng CAND. Quy mô đào tạo 600 học sinh. Tổ chức của Trường gồm Ban Giám hiệu (do Hiệu trưởng phụ trách, có 2 Phó Hiệu trưởng giúp việc), 5 Bộ môn và 3 Phòng chức năng (Tháng 10/1998, Phòng Đào tạo được tách làm 2 phòng: Phòng Đào tạo và Phòng Quản lý học viên).
         Ngày 7/8/2007, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 918/2007/QĐ-BCA(X13) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trường Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ CAND. Quyết định nêu rõ:
         Trường Trung cấp KTNV CAND trực thuộc Bộ trưởng Bộ Công an… Có trách nhiệm đào tạo cán bộ CAND có trình độ trung cấp KTNV CAND, trình độ trung cấp văn thư-lưu trữ và bồi dưỡng chuyên đề KTNV cho cán bộ trong toàn lực lượng CAND. Quy mô đào tạo 1.000 học viên. Địa điểm: Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Nhiệm vụ và quyền hạn: Đào tạo cán bộ, tổ chức nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo, bồi dưỡng, công nhận tốt nghiệp, điều động học viên, công tác cán bộ, công tác giáo viên, công tác hậu cần… và thực hiện các chức năng khác do Bộ trưởng, Tổng cục trưởng giao.

         Tổ chức bộ máy: Trường Trung cấp KTNV CAND do Hiệu trưởng phụ trách, có 3 Phó Hiệu trưởng giúp việc (Do yêu cầu công việc và được sự đồng ý của cấp trên, tháng 6/2008 nhà trường được bổ sung 1 Phó Hiệu trưởng); 4 Khoa, 3 Bộ môn và 6 Phòng chức năng.
         Thực hiện các quyết định của Bộ trưởng, nhà trường tiếp tục sắp xếp, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ; tổ chức tốt công tác đào tạo hệ trung cấp, chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND; chú trọng đến công tác tuyển chọn và nâng cao trình độ giáo viên, nghiên cứu xây dựng, biên soạn chương trình đào tạo và chương trình môn học các chuyên ngành kỹ thuật - hậu cần bậc đại học.
         Giai đoạn 3: Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần CAND (từ tháng 11/2010 đến nay).
        Ngày 21/10/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1945/QD-TTg về việc thành lập Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần CAND. Ngày 24/11/2010 Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 4756/QD-BCA quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần CAND. Theo đó, Trường có trách nhiệm đào tạo cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ và hậu cần có trình độ sau đại học, đại học và các trình độ thấp hơn; đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về kỹ thuật nghiệp vụ và hậu cần cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ làm công tác kỹ thuật nghiệp vụ và hậu cần trong CAND; nghiên cứu khoa học kỹ thuật nghiệp vụ và hậu cần CAND phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Quy mô đào tạo là 3000 học viên. Địa điểm: Thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Có 14 nhiệm vụ và quyền hạn. Tổ chức bộ máy có Hiệu trưởng phụ trách, có từ 03-04 Phó Hiệu trưởng, 5 Bộ môn, 7 Khoa chuyên ngành, 8 phòng chức năng và 4 trung tâm.
         Hiện nay Quyết định số 4688 thay thế Quyết định số 4765.
         Triển khai các Quyết định nói trên, nhà trường đã kiện toàn và từng bước ổn định tổ chức bộ máy, di dời địa điểm từ Hà Nội về Bắc Ninh, tiếp tục đào tạo bậc trung cấp theo nhiệm vụ được giao, đào tạo đại học từ năm học 2011-2012 và mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chức danh cho đội ngũ cán bộ làm công tác kỹ thuật nghiệp vụ và hậu cần CAND.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT - HẬU CẦN CAND